Quy định về mức đóng BHXH, BHYT có sự thay đổi do tăng mức lương cơ sở từ 01/07/2024, tuy nhiên tỷ lệ đóng BHXH vẫn giữ nguyên mức 25,5% trong đó người lao động đóng 8% và đơn vị sử dụng lao động đóng 17,5%. Tham khảo chi tiết quy định về mức đóng BHXH, BHYT trong nội dung dưới đây.
NLĐ không muốn đóng BHXH thì công ty phải trả chi phí hỗ trợ đúng không?
NLĐ không muốn tham gia BHXH bắt buộc thì công ty phải trả chi phí hỗ trợ cho khoản tiền này đúng không? Bên mình mới ký hợp đồng lao động với nhân sự mới. Nhưng bạn không muốn tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì cơ quan, doanh nghiệp có phải trả phần chi phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho người lao động không ạ?
Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Như vậy, khi bạn nhân viên này đã ký hợp đồng lao động với phía công ty chị mà hợp đồng có thời hạn từ 01 trở lên thì đã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, nếu công ty không thực hiện báo tăng, đóng BHXH cho người lao động thì có thể bị phạt tiền (Khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP):
Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, công ty cần giải thích cho NLĐ hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc.
Công ty trả tiền hiệu quả làm việc cho người lao động theo kết quả đạt được từ KPI (chỉ số đo lường hiệu suất công việc). Khoản này thanh toán vào hàng quý, vậy có được xem là khoản tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không? (Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM)
Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Theo Thông tư số 47/2015 của Bộ LĐTB-XH thì các khoản không tính làm căn cứ đóng BHXH bao gồm: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Thực hiện theo quy định trên, tiền hiệu quả làm việc theo kết quả đạt được từ KPI cho cán bộ nhân viên, thanh toán vào mỗi quý, nếu không xác định được mức tiền cụ thể và không trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì không thuộc khoản phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay mức lương đóng BHXH được thỏa thuận và ghi trên hợp đồng lao động, còn doanh nghiệp trả lương theo KPI xét trên hiệu quả công việc. Do đó, nếu hiệu quả không đạt thì lương sẽ thấp hơn mức đóng ghi trên hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đóng BHXH như thế nào? (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn - Cholimex)
Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 quy định, một trong những nội dung chủ yếu phải có trong hợp đồng lao động là mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Căn cứ Điều 30 Thông tư 59/2015 về tiền lương tháng BHXH bắt buộc thì các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định 05/2015.
Như vậy, trong hợp đồng lao động phải nêu rõ mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Do đó, tiền hiệu quả làm việc theo kết quả đạt được từ KPI được ghi trong hợp đồng lao động là phụ cấp lương hoặc khoản bổ sung. Khoản tiền theo hiệu quả công việc này nếu không xác định được mức tiền cụ thể và không trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì không thuộc khoản phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Làm thêm có phải đóng BHXH không?
Đi làm thêm thì có phải đóng BHXH không? Em làm thêm tại một siêu thị nhỏ, làm bán thời gian. Em làm khoảng tầm 3 đến 4 tháng tại đây ạ. Không biết trong thời gian này có phải đóng BHXH không ạ?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian (part time) thì NSDLĐ vẫn phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thực tế về thời gian làm việc để lựa chọn hình thức giao kết HĐLĐ bằng lời nói hoặc văn bản.
Và Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, điều kiện để bạn được đóng BHXH bắt buộc gồm:
- Hợp đồng lao động từ 01 tháng;
- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương không quá 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
- Mức lương tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng BHXH.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì chị sẽ được đóng BHXH. Do đó, chị có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình.
Mức đóng BHXH của công chức, viên chức
Như vậy, tổng cộng tỷ lệ đóng BHXH của cán bộ, công chức là 9,5% còn viên chức là 10,5%.
Quy định về bảo hiểm thất nghiệp
Câu hỏi: Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp 03 năm ở công ty cũ, sau đó nghỉ việc nhưng không làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, tôi đang làm việc ở công ty mới được 06 tháng. Vậy thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đây của tôi có được cộng dồn không?
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Bởi vậy, dù đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục do chuyển nhiều nơi làm việc thì người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian mà mình đã tham gia.
Câu hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2000, cũng là thời điểm tôi bắt đầu đi làm. Vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của tôi có giống như thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có từ năm nào?
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 lần đầu tiên ghi nhận chế độ "bảo hiểm thất nghiệp". Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, nhưng thời điểm bắt đầu áp dụng bảo hiểm thất nghiệp là từ 01/01/2009. Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp chính thức có từ năm 2009.
Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp được quy định riêng tại Luật Việc làm năm 2013, không còn quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như trước đây.
Do đó, thời gian người lao động tham gia hợp đồng lao động trước năm 2009 thì không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Câu hỏi: Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi, nay nghỉ việc chờ nghỉ hưu không đi làm đâu nữa thì có nhận trợ cấp thất nghiệp 1 lần luôn được không?
Hiện nay, theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp đang được tính theo từng tháng.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng quy định, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp theo từng tháng cho người lao động.
Chính vì vậy, người lao động sẽ không thể lấy trợ cấp thất nghiệp một lần cho toàn bộ thời gian mà mình được hưởng.
Câu hỏi: Tôi nghỉ việc hơn 1 năm chưa lấy tiền trợ cấp thất nghiệp thì liệu thời gian đóng trước đó có mất không ạ?
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu để quá thời hạn này, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không nhận hồ sơ nữa.
Lúc này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu để tính cho lần hưởng tiếp khi có đủ điều kiện.
Bởi khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ, thời gian đóng bảo hiểm để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là chia sẻ của Luật Trí Nam về mức đóng BHXH, BHTN và BHYT năm 2024 cùng các quy định pháp luật mới nhất về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hy vọng các hướng dẫn sẽ hữu ích cho mọi người trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật.