Sông Hồng, đoạn qua cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội.
Độ chua đất phù sa sông Hồng (pH)[sửa]
Độ chua hay pH của đất là chỉ số quan trọng đầu tiên cần xem xét khi đánh giá chất lượng đất. Xác định độ chua của đất thông qua máy đo pH. Những loại đất có độ phì nhiêu cao đều phải có một giới hạn pH nhất định không quá chua hoặc quá kiềm. Thường có hai dung môi sử dụng để xác định độ chua của đất là nước hoặc KCl, cho hai giá trị pHH2O hay pHKCl. Giá trị pHH2O là độ chua thực tại gây nên bởi các proton tự do có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cây trồng và hoạt động sinh khối trong đất. Giá trị pHKCl thể hiện độ chua trao đổi, là độ chua tiền năng, trong đó các ion có tính axit (H+, Al3+),…) trên bề mặt keo đất có thể được đẩy ra dung dịch đất làm cho đất chua; đất phù sa sông Hồng phổ biến có pHH2O dao động từ 5,33-5,76; pHKCl dao động từ 4,58-4,99. Như vậy so với các kết quả nghiên cứu trước đây giai đoạn 1960-1980, trung bình đất phù sa sông Hồng hiện nay đã chua hơn trước 0,5 đơn vị. Các nguyên nhân của sự chua hóa chủ yếu do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, sự rửa trôi theo chiều thẳng đứng ở các địa hình vàn cao.
Sức sản xuất của đất phù sa sông Hồng[sửa]
Đất phù sa sông Hồng là loại đất có độ phì nhiêu tự nhiên rất cao và đồng nhất với độ phì nhiêu thực tế hay còn gọi là sức sản xuất của đất, thích hợp với hầu hết các loại cây trồng với hình thức thâm canh đa dạng. Trên đất phù sa sông Hồng đã hình thành nên nền văn minh lúa nước lâu đời của vùng đồng bằng.
Hiện nay hệ thống cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) cũng tương tự như vùng đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam châu Á với khí hậu gió mùa gồm có lúa, hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày, nhưng cây lúa vẫn là cây trồng chủ yếu.
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội cũng như sự tiến triển của hệ thống cây trồng trong quá khứ, hiện trạng hệ thống cây trồng chính của vùng đồng bằng sông Hồng có các công thức luân canh phổ biến là : 1 vụ lúa/năm, 2 vụ lúa/năm, 2 vụ lúa + 1 vụ màu/năm, 1 vụ lúa + 1 vụ màu/năm, 1 vụ lúa + 2 vụ màu/năm và chuyên màu. Gần đây xuất hiện các công thức luân canh 4 vụ/năm.
Tuy là vùng có nghề trồng lúa nước là chính, nhưng vùng đồng bằng sông Hồng có các tiểu vùng sinh thái khác nhau nên cơ cấu cây trồng, gắn vào đó cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ của mỗi tiểu vùng cũng khác nhau.
Hiện trạng hệ thống cây trồng vùng ĐBSH được mô tả theo các chân ruộng có đặc thù sinh thái khác nhau:
Hiện tại toàn bộ diện tích đất phù sa sông Hồng đã được đưa vào sản xuất với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật như các cuộc cách mạng về giống, phương thức canh tác, chế độ tưới, tiềm năng của đất phù sa sông Hồng đang được khai thác triệt để. Trên những cánh đồng phù sa không phải chỉ có lúa mà còn có các cây trồng khác với những hình thức thâm canh và cơ cấu mùa vụ rất khác nhau. Đối với đất phù sa sông Hồng trồng lúa thường có cơ cấu: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa + 1 màu, 1 lúa + 2 màu hoặc 2 lúa –nhiều vụ màu. Năng suất lúa trung bình trên đất phù sa sông Hồng đạt 6 tấn/vụ và nhiều nơi đạt trên 10 tấn/vụ (2018).
Trên đất phù sa sông Hồng cũng đã tạo nên những vùng thâm canh cao: chuyên rau, chuyên hoa, chuyên cây ăn quả (vải, nhãn, chuối, bưởi, ổi, cam, quýt...), cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Cây trồng trên đất phù sa sông Hồng không chỉ có năng suất cao mà còn có chất lượng đặc biệt, các đặc sản phù sa sông Hồng như nếp cái hoa vàng, vải thiều Thanh Hà, bưởi Diễn, cam Canh, nhãn lồng Hưng Yên, chuối ngự Đại hoàng, húng Láng đã từ lâu đi vào sử sách và như là đặc sản riêng biệt của vùng châu thổ sông Hồng.
Hình thái phẫu diện điển hình đất phù sa sông Hồng
Thông tin: Phẫu diện N5. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nền môi trường nhóm đất phù sa của Việt Nam, 2001-2003.
Hàm lượng hữu cơ đất phù sa sông Hồng (OM, %)[sửa]
Rất nhiều người đồng ý rằng: đất (Soil) là " Tâm hồn của Cuộc sống Vô tận (Soul of the Infinite Life)", đất khác đá mẹ trước hết ở chỗ trong đất có chất hữu cơ. Những nghiên cứu thổ nhưỡng học trên thế giới và Việt Nam đều khẳng định: chất hữu cơ trong đất giữ vai trò to lớn trong việc duy trì và nâng cao độ phì nhiêu thực tế của đất, bao gồm điều tiết dinh dưỡng, chế độ nước, chế độ nhiệt... trong môi trường đất. Có thể nói trong đất chất hữu cơ tham gia hầu hết vào các sự kiện di đổi vật chất, bao gồm các quá trình vật lý, hoá học và sinh học đất. Thông thường đánh giá chỉ tiêu hữu cơ trong đất (OM, %) thông qua phân tích các bon hữu cơ (OC) theo phương pháp Walkley-Black. Trung bình, đất phù sa sông Hồng có các bon hữu cơ dao động từ 1,3-1,6%. Đất phù sa sông Hồng ngoài đê được bồi đắp phù sa thường xuyên nên lượng các bon hữu cơ thấp, có thể dưới 1%; Đất phù sa sông Hồng ở vùng trũng, thoát nước kém, hoạt động khoáng hóa kém, lượng các bon hữu cơ có thể cao hơn 2,2%.
Kali trong đất phù sa sông Hồng (K2O, %)[sửa]
Cùng với đạm và lân, kali (K) là nguyên tố dinh dưỡng đa lượng quan trọng trong đời sống cây trồng. Theo các nghiên cứu về khoáng học, trong đá K có khoảng 2,6%, còn trong đất K có khoảng 0,83%. Số liệu này chứng tỏ rằng kali bị rửa trôi trong quá trình phong hoá đá hình thành đất. Trong sự phát triển của ngành thổ nhưỡng học thế giới, những nghiên cứu về kali trong đất rất nhiều và K thường được dùng cho nghiên cứu mẫu nhiệt động học các phản ứng trao đổi trong đất từ những năm đầu của thế kỷ 20. Tuy vậy, ở Việt Nam các nghiên cứu về kali trong đất mới chỉ phát triển từ những năm sau 1970. Khoáng vật trong đất chứa kali hay được nói tới là các alumino-silicát như: kali phiến thạch, leuxit -KAl(SiO3)2, K-kính, saniđin, muscovit -KAl3Si3O10(OH)2, ilit... Trong đất, kali có mặt trong thành phần tất cả các cấp hạt nhưng chủ yếu là ở cấp hạt sét và hạt limon chưa phong hoá. Thường dùng chỉ tiêu kali tổng số để đánh giá tiềm năng kali của đất. Nguyễn Vy, Trần Khải (1978) lưu ý việc tính đến đồng thời cả thành phần cấp hạt và tính chất khoáng sét để dự báo hàm lượng kali trong đất. Sự phân bố về mức kali trong đất thực chất phụ thuộc vào đá mẹ, mức độ phong hoá, địa hình và chế độ canh tác.
Khi phân tích kali tổng số (K2O, %) trong đất người ta thường dùng các tổ hợp ít nhất hai axít mạnh (HNO3, HCl, H2SO4, HClO4) và gần như cho kết quả giống nhau. Gần đây, khi nghiên cứu các phương pháp phân tích kali thích hợp cho đất Việt Nam, các nhà phân tích cho rằng phải dùng các dịch chiết có axit mạnh và HF (HF, H2SO4, HClO4) mới có thể chiết hết K ra khỏi khoáng đất. Tuy vậy các lý luận thân thiện đối với môi trường đều không ủng hộ phương án này vì HF rất độc và không cần thiết phải đi đến tột cùng mới đánh giá được thực trạng kali trong đất. Số liệu phân tích năm 2003 trên 214 mẫu đất phù sa của Việt Nam cho thấy, hầu hết đất phù sa sông Hồng có hàm lượng kali tổng số dao động từ 1,18-1,48%, hàm lượng kali trong đất phù sa sông Hồng cao hơn đất phù sa hệ thống sông Cửu Long (1,11-1,28%) và cao hơn nhiều so với kali trong đất phù sa các sông khác (0,74-0,93%). Chính thành phần khoáng sét và thành phần cấp hạt đã làm giàu kali trong đất phù sa sông Hồng và theo đó đã làm cho các sản phẩm cây trồng trên đất phù sa sông Hồng có các chất lượng đặc biệt mà các vùng miền khác không có. Cũng cần cảnh báo rằng so với các kết quả phân tích trước đây, lượng kali tổng số trong đất phù sa sông Hồng cũng đang có chiều hướng giảm đi.